Thứ Năm, 22 tháng 9, 2016

Những quan niệm sai lầm khi ở cữ

Nằm than, hay phòng ngủ kín gió, không đánh răng, chải đầu là những quan niệm sai lầm khi bạn ở cữ.

- Nằm than:
Theo nhiều nghiên cứu khoa học, khí CO2 từ than đốt dễ khiến trẻ sơ sinh bị ngạt, nặng hơn sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh, não của trẻ.

- Phòng ngủ che kín gió:

Nhiều người cho rằng, gió là thủ phạm chủ yếu gây sốt sản hậu, vì thế phòng của các bà mẹ thường khép kín, che chắn hết các cửa không cho thoáng khí và gió vào. Kỳ thực thì gió tự nhiên không có tội gì cả. Đây là quan điểm không đúng, vì phòng các bà mẹ nằm cần có gió và thay đổi không khí cũng như ánh nắng chiếu vào giúp cho sự lưu thông không khí tốt, diệt khuẩn, bụi, nấm mốc không thể phát triển được. Nằm thoáng khí sự cung cấp oxy trong phòng người mẹ được đầy đủ.

Sốt sản hậu là do một số vi khuẩn gây bệnh ẩn trong cơ quan sinh dục của bà mẹ gây nên. Điều này thường là do việc kiểm tra trước khi sinh không được khử trùng sạch sẽ hoặc do bà mẹ không chú ý giữ gìn vệ sinh sau sinh. Nếu môi trường trong phòng không sạch sẽ, không khí không trong lành rất dễ khiến cả mẹ và bé mắc bệnh về đường hô hấp.

- Không đánh răng và không chải đầu:

Vệ sinh răng miệng: sau khi sinh, do các bà mẹ ăn nhiều bữa trong ngày. Nếu không đánh răng, thực phẩm có cơ hội bám ở kẽ và bề mặt răng, gây bệnh ở khoang miệng, viêm lợi, nướu… Tốt nhất, nên dùng bàn chải mềm, chải răng nhẹ nhàng bằng nước ấm. Nên đánh răng 2 lần một ngày vào hai buổi sáng tối, nếu có thể đánh răng, súc miệng sau mỗi bữa ăn thì càng tốt.


Quan điểm không chải đầu sau sinh là quan điểm sai. Việc chải đầu hàng ngày, giúp cho hình dáng được gọn gàng, khỏe mạnh và sạch sẽ. Việc chải đầu giúp mát – xa tóc, để máu nuôi dưỡng tóc tốt hơn và tránh sự bám của gàu.

- Uống nước tiểu trẻ:

Mẹ phải uống nước tiểu của con để gọi sữa về… là một trong những kinh nghiệm dân gian truyền miệng sai lầm hết sức. Nước tiểu là sản phẩm dư thừa được cơ thể đào thải ra ngoài. Tuyệt đối không nên uống nước tiểu.

Sự lên sữa ở các bà mẹ là do sự tiết sữa của các tuyến vú, do tác động của nội tiết tố Prolactin từ tuyến yên của người mẹ phóng thích ra. Khi miệng bé mút vào đầu núm vú mẹ, sẽ tạo nên một luồng phản xạ kích thích tiết prolactin từ tuyến yên, giúp cho sự bài tiết của tuyến vú ra sữa nhiều hơn.

- Không tiếp chuyện hay từ chối cuộc viếng thăm:

Sự quan tâm, sự hỗ trợ, trò chuyện thân tình và nụ cười của mọi người chắc chắn giúp các bà mẹ bớt đi nỗi lo sợ cô đơn, bớt đi và tránh được sự thay đổi tâm lý sau sanh. Vì vậy, các bà mẹ cần có sự giao tiếp tốt với người thân, với bạn bè trong thời gian ở cữ.

- Ăn khô và thức ăn mặn:

Quan điểm ở cữ ngoài việc khiêng kem nhiều mặt, vấn đề ăn uống cũng kiêng quá mức, chỉ cho các bà mẹ, ăn cơm muối tiêu, thịt nạc heo kho thật mặn và nhiều tiêu, ngoài ra không được dùng bất kỳ thứ gì. Điều này hết sức sai lầm, ăn uống thiếu chất không đủ các thành phần dinh dưỡng, cơ thể mẹ chậm hồi phục, sự tiết sữa cho bé bú giảm, gây ít sữa. Đồng thời gây ra chứng táo bón, dẫn đến đi tiêu khó, có thể gây chứng bệnh nứt hậu môn, trĩ… Ở những bà mẹ có huyết áp cao, khi ăn mặn có thể rất nguy hiểm, làm tăng huyết áp và tiền sản giật – sản giật sau sinh có thể xảy ra.

Những kiêng kỵ đầu năm khi đi thăm bà đẻ

Trong quan niệm người Việt, không nên đi thăm bà đẻ vào đầu tháng, đầu năm vì rất đen đủi.

Và đặc biệt trong những ngày đầu năm mới, những tập tục kiêng kỵ lại càng được đề cao vì nếu không ‘kiêng’, chẳng may cả năm gặp hạn xấu thì ‘hối không kịp’.

Trên thực tế, trong dân gian, người xưa cho rằng đầu tháng đi thăm gái đẻ thì giông cả tháng, đầu năm đi thăm thì giông cả năm (‘giông’ tức là mất lộc) vì quan niệm ‘có thờ có thiêng, có kiêng có lành’ và ‘sinh dữ tử lành’. Đến nay nhiều người vẫn cho rằng:

- Người kinh doanh: Việc đi thăm bà đẻ sẽ đem may mắn trong việc làm ăn nên họ sẽ chờ khi bé đầy tháng sẽ đến chơi.

- Bà bầu đi thăm bà đẻ: Em bé mới sinh và em bé trong bụng ghen tỵ nhau, bé trong bụng khi sinh ra không gặp nhiều may mắn.

- Lái xe, nam giới: Rất kiêng kỵ chuyện đi thăm bà đẻ vì quan niệm sẽ gặp nhiều vận xui.

Còn một cách giải thích khác có vẻ thuyết phục hơn. Trên thực tế việc dân gian kiêng kỵ đi thăm sản phụ mới sinh không phải hoàn toàn do mê tín. Trong thời gian đầu mới sinh, cả mẹ và bé đều cần nghỉ ngơi yên tĩnh để hồi phục sức khỏe, em bé chưa có khả năng đề kháng tốt nên càng hạn chế việc tiếp xúc với người lạ càng nhiều càng tốt, chưa kể đến nguy cơ lây nhiễm bệnh tật truyền nhiễm từ khách đến thăm.

Việc đưa ra những lý do như đen đủi, không may mắn là cách người xưa sử dụng để từ chối khéo khách đến chơi, lâu dần trở thành tiềm thức và quan niệm của đa số người dân. Tuy nhiên, nếu bạn là người không quá tín vào những chuyện chưa được khoa học kiểm chứng thì có thể loại bỏ những suy nghĩ này. Việc không may mắn, kém thuận lợi trong cuộc sống không liên quan đến bà đẻ hay em bé mới sinh mà chủ yếu do cách bạn suy nghĩ và hành động.

Và nếu bạn đã từng là phụ nữ mang thai, sinh nở chắc chắc bạn sẽ thông cảm và hiểu hơn ai hết những khó khăn trong những tháng ngày sau sinh. Nếu mọi người xung quanh đều ‘mê tín’ những vấn đề kiêng kỵ mà không giao tiếp, giúp đỡ bà mẹ mới sinh thì chuyện gì sẽ xảy ra. Vì vậy, hãy cân nhắc và đưa ra những lý lẽ thuyết phục trước khi ‘làm theo’, ‘tin theo’ bất cứ điều gì!


Những điều nên làm khi đến chơi với phụ nữ mới sinh đầu năm

- Gọi điện thoại trước để gia chủ sẵn sàng tiếp đón, có thể em bé đi ngủ hoặc trong thời gian vệ sinh, tắm rửa sẽ không tiện cho chuyến thăm của bạn.

- Chuẩn bị phong bao lì xì, có thể cho cả mẹ và bé để chúc bé hay ăn chóng lớn, thêm tuổi mới nhiều sức khỏe.

- Ngồi chơi với hai mẹ con nhanh chóng, hẹn lúc khác đến thăm thay vì hỏi han quá nhiều, để dành thời gian nghỉ ngơi cho mẹ và bé.

- Thay vì tặng tiền, có thể chuẩn bị một vài món quà nhỏ xinh, như lời chúc may mắn đến em bé mới sinh.

- Không nên tự ý chụp hình hoặc bàn luận về ngoại hình của bé.

- Tránh đưa ra những lời khuyên, yêu cầu người mẹ nên hoặc không nên làm gì để chăm sóc bé. Bạn có thể đề cập chuyện này sau hoặc khéo léo nói lại với người nhà của bé nếu thấy có điều gì bất hợp lý, tuy nhiên không nên góp ý trực tiếp với sản phụ.

Theo Sức khỏe & Đời sống

Cân nặng thay đổi như thế nào sau khi sinh mổ

Không những tóc, tử cung, ngực âm đạo thay đổi rõ rệt sau khi sinh, các mẹ sinh mổ cân nặng cũng giảm rõ rệt.

Ngay sau sinh, cân nặng mẹ có thể sẽ giảm ngay khoảng 5-6kg bao gồm cân nặng của bé, nhau thai và nước ối. Ngoài ra, một lượng nước và huyết khối cũng đi ra ngoài cơ thể do nhu cầu không còn cần thiết trong khoảng 1-2 tuần sau sinh khiến cân nặng mẹ sẽ giảm thêm nhanh chóng.


Bàng quang và ruột


Bàng quang của mẹ có thể sẽ bị sưng lên do quá trình đau đẻ và sinh con khiến việc đi vệ sinh nhạy cảm và bất thường hơn. Mẹ cũng có thể sẽ gặp khó khăn trong việc đi tiểu, thậm chí gặp chứng bí tiểu, đầy hơn, táo bón… Nguyên nhân là do những tác động của thuốc giảm đau, việc thay đổi chế độ ăn uống, thực phẩm nạp vào cơ thể và cả việc nằm nhiều trên giường cũng khiến tình trạng táo bón nặng nề hơn.

Âm đạo và đáy chậu

Cho dù mẹ sinh thường hay sinh mổ thì đều phải trải qua 1-2 tuần bị chảy máu âm đạo. Việc sinh nở cũng khiến mẹ gặp khó khăn trong việc “yêu” sau sinh do đau nhức và khô hạn. Nhiều mẹ còn gặp hiện tượng đau nhức vùng đáy chậu do bị khâu tầng sinh môn sau sinh.

Ngực

Ngực là bộ phận thay đổi nhiều nhất trong cả thời gian mang thai và đặc biệt sau sinh. Khi mới sinh con, mẹ sẽ thấy xuất hiện sữa non, sữa này rất tốt cho con nên các mẹ cần tận dụng cho con bú càng sớm càng tốt.

Khi sữa về nhiều hơn, chị em sẽ cảm thấy bị căng tức, sưng, đau. 1-2 tuần sau, việc cho con bú sẽ dễ dàng hơn.

Tóc

Nếu như khi mang thai, tóc mẹ bầu thường có xu hướng dày, đẹp hơn thì sau sinh, mẹ sẽ phải đối mặt với hiện tượng rụng tóc do những kích thích tố mang thai bắt đầu suy giảm. Đây là hiện tượng bình thường, mẹ không nên lo lắng nhiều.

Chế độ dinh dưỡng dành cho các mẹ sinh mổ

Sau khi sinh mổ, để phục hồi nhanh chóng các mẹ cần tham khảo chế độ dinh dưỡng dưới đây.

Trong vòng 6 tiếng các mẹ sinh mổ không được ăn uống gì. “Do các thuốc dùng trong quá trình phẫu thuật làm nhu động ruột và dạ dày của các mẹ hoạt động ở mức độ thấp và yếu. Nếu có thức ăn sẽ rất khó tiêu làm bụng đầy hơi, hoặc táo bón, gây rối loạn tiêu hóa làm cơ thể mệt mỏi khó hồi phục”, bác sĩ Song Hà cho hay.

Thông thường, mẹ sinh mổ sẽ được cắt chỉ sau 5 ngày nếu mổ lần đầu tiên, sau 7-8 ngày nếu mổ lần thứ 2 trở lên. Tuy nhiên, có 1 số bác sĩ may bằng chỉ tự tiêu thì không cần cắt chỉ.


Theo bác sĩ Song Hà, đối với vệ sinh thân thể, các mẹ có thể lau bằng nước ấm hoặc tắm nhanh, tránh việc ngâm cơ thể trong bồn tắm khiến vết mổ bị ướt. Đặc biệt, các mẹ có thể dùng máy sấy tóc sấy ấm phòng tắm trước khi bước vào tắm. Sau khi tắm xong, nên sử dụng chăn quấn giữ ấm cơ thể 1 lúc rồi mới bước ra phòng tắm.

“Sau khi tắm xong, dùng gòn sạch thấm khô vết mổ, để vết mổ hở không cần băng kín, giữ cho vết mổ luôn khô sạch. Có thể sát trùng vết mổ bằng dung dịch betadin. Không tự ý thoa bất kỳ thuốc hay dung dịch gì lạ khi chưa hỏi ý kiến của bác sĩ”, bác sĩ khuyến cáo.

Ngoài ra, có một số người có cơ địa sẹo lồi thì vết mổ sau khi liền sẽ lồi hẳn ra khỏi mặt da, có màu sậm và gây ngứa. Các mẹ có thể dùng thuốc chống sẹo lồi sau khi cắt chỉ được một tuần trở đi. Nếu thoa thuốc sớm quá có thể dễ gây nhiễm trùng vết mổ.

– Đối với các mẹ gây mê trong quá trình mổ chỉ nên uống nước lọc, nước đường, ăn cháo loãng cho tới khi đi trung tiện mới bắt đầu ăn đặc, không uống sữa ngay vì dễ gây tiêu chảy.

– Đối với các mẹ gây tê khi mổ, có thể ăn cháo loãng, nếu thấy tiêu hóa tốt có thể chuyển sang ăn cơm.

Sau những ngày đó, các mẹ ăn uống như bình thường, không nên kiêng khem. Bổ sung thức ăn giàu đạm và canxi, ăn trái cây, uống nhiều nước để có nhiều sữa cho con bú và tránh táo bón. Nên ăn đa dạng các thức ăn giàu dinh dưỡng như đạm đường, chất sắt, rau củ quả nấu chín và tránh một số thức ăn hay gây dị ứng như các loại hải sản… Ăn đa dạng thức ăn không những giúp vết mổ mau lành mà còn giúp cung cấp dồi dào lượng sữa cho bé bú”, bác sĩ đưa ra lời khuyên cho các mẹ.

Cách chăm sóc vết mổ sau sinh theo lời khuyên từ bác sĩ

Sinh mổ đơn giản nhưng lại hồi phục lâu hơn sinh thường. Để phục hồi cơ thể nhanh, các mẹ cần lưu ý một số điểm dưới đây.

- Để vết mổ nhanh lành

Để vết mổ nhanh nhanh lành, các mẹ nên làm theo hướng dẫn của bác sĩ như giữ gìn vệ sinh vết mổ tốt để vết mổ nhanh lành. Bên cạnh đó, chế độ ăn cung cấp đầy đủ chất và vitamin thì vết mổ cũng sẽ mau lành hơn. Nếu phát hiện vết mổ đỏ căng tức, tiết dịch, đau… thì các mẹ đã bị nhiễm trùng vết mổ. Lúc này, cần đến bác sĩ để được chữa trị kịp thời.

Khoảng 2 tháng sau sinh mổ, các mẹ nên tránh vận động mạnh để không ảnh hưởng đến vết mổ. Bởi sau sinh, các khớp và cơ còn yếu.

- Cho con bú sau sinh mổ
Khi cảm thấy bớt đau, các mẹ có thể vận động nhẹ với sự giúp đỡ của người thân (ảnh minh họa)
Theo bác sĩ Song Hà, mẹ nên cho bé bú càng sớm càng tốt vì lúc này sữa non có chứa nhiều chất dinh dưỡng nhất và có nhiều khảng thể giúp tăng cường miễn dịch cho bé. Ngoài ra, còn giúp tử cung của mẹ co hồi tốt, giảm nguy cơ băng huyết sau sinh.

– Cần theo dõi những dấu hiệu

– Sau khi xuất viện về nhà, các mẹ cần theo dõi những dấu hiệu sau:

– Phản ứng của cơ thể với tình trạng nhiễm trùng đầu tiên báo hiệu bằng triệu chứng sốt.


– Sản dịch vẫn sẽ chảy ra ngoài âm đạo như khi sinh thường. Trong 3 ngày đầu, sản dịch đỏ tươi, sau đó lượng máu càng ngày càng ngớt đi rồi chuyển sang nâu sậm. Khoảng ngày thứ 10 sản dịch sẽ có màu hơi vàng hoặc không màu.

– Nếu bạn thấy sản dịch không có sau sinh hoặc có mùi hoặc bị sốt… bạn nên quay lại bệnh viện khám bác sĩ ngay vì đây có thể bạn đã bị nhiễm trùng hậu sản, sót nhau hoặc băng huyết.

– Nếu vết mổ sưng, nóng, đỏ, đau hoặc chảy dịch vàng là những dấu hiệu báo hiệu có thể bạn bị nhiễm trùng vết mổ bạn nên đi khám ngay để tránh bị nặng hơn.

“Thời gian để có thai lại nên là 2 năm, các mẹ nên biết thời gian càng ngắn thì nguy cơ nứt vết mổ cũ càng cao”, bác sĩ chỉ rõ.

Tầm quan trọng của dinh dưỡng hợp lý sau mổ đẻ

5 lời khuyên dinh dưỡng cho mẹ mổ đẻ để mau lấy lại sức và phục hồi vóc dáng.

Tầm quan trọng của dinh dưỡng hợp lý sau mổ đẻ

Một chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng sẽ giúp sản phụ tăng tốc phục hồi sức khoẻ. Nó cũng giúp bạn chăm sóc em bé tốt hơn và cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho bé. Trong thời gian sinh mổ, bác sĩ phải “rạch” qua thành bụng và tử cung. Các chế độ ăn uống hợp lý sẽ đảm bảo vết mổ nhanh lành và người mẹ mau chóng đi lại được.

Chế độ ăn uống lành mạnh là sản phụ ăn đa dạng rau xanh, hoa quả, ngũ cốc, các sản phẩm sữa ít béo và protein nạc. Thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn sẵn nghiêm ngặt bị cấm, ít nhất là trong vài tháng đầu tiên.


Tăng lượng chất lỏng

Cho dù cảm thấy khát nước hay không, điều quan trọng là sản phụ phải uống đủ nước. Khi trẻ bú mẹ, cơ thể mẹ cũng bị mất nước. Uống đủ nước và chất lỏng đảm bảo mẹ không bị mệt mỏi và yếu ớt vì thiếu nước.

Hãy uống đủ nước lọc, nước ép hoa quả tươi, nước chanh, sữa, nước dừa… Táo bón là vấn đề nhiều mẹ phải đối mặt thời gian sau sinh. Uống đủ nước sẽ giúp mẹ đi tiêu đều đặn, hạn chế táo bón.

Ngoài ra, uống nước cũng giúp đào thải độc tố ra khỏi cơ thể mẹ.

Thêm các thực phẩm giàu vitamin C

Điều quan trọng là sản phụ nên ăn nguồn vitamin và chất sắt tươi sau mổ đẻ. Vitamin C giúp vết thương nhanh lành và hạn chế tối đa sẹo. Nó cũng giúp mẹ tránh khỏi nguy cơ nhiễm trùng. Bên cạnh đó, thực phẩm giàu vitamin C còn giúp hình thành các mạch máu.

Hãy chắc chắn bạn ăn uống thực phẩm nhiều vitamin C vì cũng giúp bảo vệ sản phụ khỏi ho và cảm lạnh. Vitamin C giúp ngăn ngừa đau sưng khớp – những tác dụng phụ thường gặp ở người sinh mổ.

Thực phẩm giàu sắt


Mẹ mổ đẻ sẽ mất một lượng máu lớn. Chế độ ăn uống giàu sắt giúp cơ thể sản xuất hemoglobin và ngăn ngừa bệnh thiếu máu.

Khi sinh mổ, hệ miễn dịch yếu đi và sản phụ phải đối mặt với các nguy cơ nhiễm trùng. Hãy đảm bảo rằng, mẹ ăn nhiều thực phẩm có sắt ngay sau sinh để tăng cường hệ miễn dịch và phòng bệnh.

Thực phẩm giàu protein nạc

Protein là một phần không thể thiếu trong chế độ ăn uống lành mạnh của mẹ sau sinh mổ. Một chế độ ăn giàu protein giúp xây dựng các khối cơ, làm lành mạch máu, da, mô, cơ, sụn. Ngoài ra, nó còn tốt cho tim mạch, duy trì hàm lượng cholesterol.

Những lưu ý khác

Hãy ăn thêm bữa nhỏ trong ngày, không tập trung vào 3 bữa lớn. Nên có khoảng 5-6 bữa trong ngày.

Các bữa ăn nên cách nhau khoảng 2 giờ. Trong trường hợp thấy đói, nên ăn nhẹ hoa quả hoặc các loại hạt.

Nên ăn chậm nhai kỹ, không nuốt mà không nhai. Thật khó để ăn uống chậm rãi khi đang nuôi con mọn nhưng hãy nhờ chồng và người nhà trông con giúp để có thời gian ăn uống khoa học.

Thời gian sau sinh, mẹ khó có thời gian ngủ nhưng hãy cố gắng ngủ ngay khi có thể. Một giấc ngủ đủ sẽ giúp mẹ nhanh hồi phục.

Hãy tự nấu nướng các món ăn từ thực phẩm tươi ngon.

Bà bầu uống thuốc hạ sốt như thế nào mới an toàn

Bà bầu bị sốt nên uống thuốc nào cho an toàn.  Dưới đây là một số lưu ý khi bà bầu dùng thuốc hạ sốt.

Khi mang thai, một lời khuyên tốt nhất cho đối tượng này là không nên dùng thuốc, vì thuốc có thể qua nhau thai ảnh hưởng không tốt tới thai nhi. Tuy nhiên, trên thực tế, trong quá trình mang thai, nhiều bà mẹ đã bị sốt (với nhiều nguyên nhân khác nhau). Vậy dùng thuốc nào an toàn?

Tại sao bà mẹ mang thai cần phải đặc biệt lưu ý?

Trong các đối tượng dùng thuốc cần đặc biệt lưu ý thì bà mẹ mang thai là một đối tượng cần lưu tâm. Có nhiều lý do khiến cho việc dùng thuốc trở nên quan trọng, nhưng ba trong số các lý do đó là: tránh biến cố dị tật cho thai nhi, tránh sẩy thai trong 3 tháng đầu và tránh sinh non vào 3 tháng cuối. Tất cả các thuốc dùng không an toàn đều có thể dẫn tới một hoặc cả ba biến cố trên. Chúng sẽ khiến cho quá trình mang thai bị đình chỉ và sức khỏe thai kỳ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Vấn đề sốt ở bà mẹ mang thai trở nên thường gặp hơn bao giờ hết. Đa phần hiện tượng sốt liên quan đến viêm họng, viêm mũi, viêm đường hô hấp trên, viêm tai giữa. Khoan hãy bàn tới việc điều trị nguyên nhân cho các bệnh này, chúng ta hãy bàn tới chuyện kiểm soát thật tốt triệu chứng sốt cho bà mẹ mang thai. Bởi lẽ sốt châm ngòi cho sự rối loạn nước và điện giải, một vấn đề vốn dĩ rất cấm kỵ ở phụ nữ mang thai. Sốt sẽ tạo thêm nguy cơ đe dọa cho các bà mẹ có yếu tố thuận lợi cho tiền sản giật và sản giật. Sốt quá cao sẽ làm tăng thêm nguy cơ sẩy thai và đẻ non. Việc thử thách sốt với bà mẹ mang thai là thực sự không cần thiết và rất không nên. Do đó, vấn đề kiểm soát thật tốt sốt và thật đúng lúc với bà mẹ mang thai là rất quan trọng.
Kết quả hình ảnh cho bà bầu
Trong danh mục các thuốc hạ sốt có thể dùng hiện nay, có ba loại rất thường gặp trên thực tế là paracetamol, aspirin và ibuprofen. Không một thuốc nào có ưu điểm tuyệt đối, cũng không một thuốc nào có tai hại toàn bộ. Xét trên khía cạnh ảnh hưởng tới sức khỏe thai nhi, mỗi thuốc có một số mặt được và một số mặt mất như sau.

Với paracetamol, mặt được có khá nhiều ưu điểm. Chúng là thuốc tương đối an toàn: không gây dị tật thai nhi, không gây sẩy thai trong 3 tháng đầu, không dẫn tới đẻ non trong 3 tháng cuối. Paracetamol lại tương đối dễ dùng, ít tác dụng phụ nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em sau khi sinh. Paracetamol được bào chế đa dạng, phù hợp với nhiều đặc điểm riêng của các bà mẹ: dạng gói, dạng viên, dạng siro, dạng cốm, dạng viên nén, dạng viên sủi bọt… Tuy nhiên, thuốc có tác dụng trên gan rất đáng dè chừng. Đây là hợp chất hóa học gây viêm gan điển hình và viêm gan nặng nếu dùng không đúng cách. Do đó, trong quá trình dùng phải lưu ý tác dụng phụ này của thuốc.

Với aspirin, thuốc hạ sốt tốt, tác dụng nhanh, có công hiệu giảm đau hữu hiệu (mạnh hơn paracetamol, vốn rất thích với bà mẹ mang thai), có tác dụng chống ngưng tập tiểu cầu ngừa những biến cố đông máu trong một số trường hợp cụ thể. Thuốc thường được bào chế dạng viên nén rất dễ dùng. Có một số người, phản ứng hạ sốt rất nhạy với aspirin. Tuy vậy, thuốc lại có khá nhiều nhược điểm như có thể gây sẩy thai trong 3 tháng đầu tiên (nguy cơ là rất lớn, lên tới 80%). Thuốc không gây ra dị tật thai nhi nhưng lại có thể gây ra chứng đóng sớm ống động mạch ở trẻ em ngay từ thời điểm trước khi sinh. Những sự cố này của aspirin là không thể chấp nhận được với bà mẹ mang thai. Bên cạnh đó, thuốc có thể gây viêm loét dạ dày – tá tràng nên không thích hợp cho bà mẹ có tiền sử viêm loét trước đó.

Với ibuprofen, có thể nói rằng nhiều bà mẹ ưa dùng vì thuốc có khả năng hạ sốt tương đối tốt (mặc dù có phần kém paracetamol), lại có thêm tác dụng giảm đau rất tốt (vượt hẳn paracetamol) (vì nhiều trường hợp bà mẹ mang thai có triệu chứng sốt kèm với đau (ví dụ như đau đầu trong sốt cảm cúm chẳng hạn). Song cần dùng thuốc này rất thận trọng. Ibuprofen được cảnh báo mức độ nguy hiểm D với thai kỳ, mức độ gần cao nhất. Người ta thấy ibuprofen có liên quan mật thiết tới biến chứng sẩy thai trong 3 tháng đầu tiên (liên quan tương đối chặt chẽ). Ibuprofen cũng được chỉ ra làm tăng nguy cơ gây ra đóng sớm ống động mạch ở bào thai, một biến cố rất không có lợi. Vì thế, hơn bất cứ thuốc nào, ibuprofen rất cần thận trọng khi dùng cho bà mẹ mang thai.

Thuốc hạ sốt nào an toàn?

Điểm mặt các thuốc ở trên, có thể so sánh thấy giữa mặt được và mặt mất của thuốc, chúng ta có thể thấy, paracetamol tuy không có nhiều ưu điểm dược học như hai loại thuốc còn lại, song chúng là thuốc an toàn nhất.

Xét trên quan điểm hạ sốt, kiểm soát sốt cho bà mẹ mang thai chỉ nên dùng paracetamol như thuốc đầu tay. Liều khuyên dùng là 1 viên 500mg cho một lần sốt từ 38,50C trở lên. Lặp lại liều này với các cơn sốt tiếp theo sau từ 4-6 giờ giờ đồng hồ. Một ngày dùng không quá 6 viên.

Trong trường hợp đặc biệt, ví dụ như bà mẹ mang thai bị viêm gan B, paracetamol sẽ được đưa xuống thành thuốc thế hệ 2. Khi đó sẽ ưu tiên aspirin rồi đến ibuprofen, tất nhiên phải tính đến các tiền sử bà mẹ có, ví dụ tiền sử sẩy thai.

Việc dùng thuốc hạ sốt sẽ rất an toàn nếu như bạn chỉ dùng sau bữa ăn, dùng trong liều quy định, không tự ý vượt quá liều trong một lần uống và trong một ngày. Khi đó thuốc dùng không những không phương hại đến thai nhi mà còn bảo đảm một thai kỳ khỏe mạnh.